0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

       

       
 

 Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu là một trong những tài sản vô hình nhưng lại có một giá trị đặc biệt lớn trong hoạt động kinh doanh thương mại của mỗi doanh nghiệp. Nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể để mất nhãn hiệu hoặc phát sinh các tranh chấp không đáng có đối với nhãn hiệu. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là vấn đề không thể bỏ qua. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hiện còn chưa nắm rõ hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gồm những gì? thủ tục và cách thức thực hiện ra sao? Hiểu được điều đó, bài viết sau của Công ty Luật Gattaca sẽ chia sẻ thông tin về hồ sơ và trình tự thủ tục khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Theo quy định của pháp luật, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm các giấy tờ sau đây:
(1) 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN [Phần mô tả nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc la-mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập; phần Danh mục các hàng hoá/dịch vụ trong tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ (theo Thoả ước Nice lần thứ 11)]
(2) 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc. Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm.
Dưới đây là mẫu nhãn hiệu minh họa để quý khách hàng có thể hiểu rõ hơn:

(3) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Ngoài ra, trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, thì ngoài các tài liệu nêu trên, hồ sơ đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau:
(4) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;
(5) Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
(6) Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
(7) Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
Hình thức nộp đơn giấy
Doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể: Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ; hoặc Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh; hoặc Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, doanh nghiệp cần chuyển tiền phí, lệ phí qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp (Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).
Hình thức nộp đơn trực tuyến
Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Doanh nghiệp cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.
Trình tự nộp đơn trực tuyến: Doanh nghiệp cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho doanh nghiệp Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, doanh nghiệp phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho doanh nghiệp trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:
Thẩm định hình thức: 01 tháng
Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Công ty Luật Gattaca là đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Bất kỳ khó khăn vướng mắc nào trong quá trình lập hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, Quý khách hàng có thể liên hệ với Công ty Luật Gattaca để được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu giúp tiết kiệm kinh phí, nhân lực và hiệu quả về mặt thời gian.
Trên đây là một số quy định về trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu do Công ty Luật Gattaca tổng hợp gửi đến Quý khách hàng.
Thực hiện: Lam Trần